Hội nhập là cơ hội để các nghệ sĩ giao lưu, sáng tác nhưng nhìn lại cũng cho thấy mỹ thuật Việt Nam thời kỳ hội nhập còn nhiều việc phải làm để theo kịp dòng chảy chung của nhân loại. Hiện nay, cả nước có hơn 10.000 nghệ sĩ sáng tác (theo danh sách hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam), hàng nghìn gallery hoạt động, và hàng trăm triển lãm nghệ thuật diễn ra mỗi tháng đã chứng tỏ sự sôi động và hào hứng của đời sống mỹ thuật nước nhà. Không những thế, hàng năm còn có tới vài trăm họa sĩ trẻ đưa tác phẩm của mình đi triển lãm và trao đổi nghệ thuật với nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là thời kỳ mang lại cho các nghệ sĩ điều kiện sáng tác và làm việc tốt nhất. Và cũng chính qua quá trình trao đổi thông tin diễn ra cởi mở mà các nghệ sĩ đã sáng tác và cho ra đời các tác phẩm có chất lượng và có ảnh hưởng, giao lưu các nền văn hóa khác nhau. Nếu nhìn vào những tác phẩm được công bố trong hai mươi năm vừa qua, cho thấy bước đột phá và cách tân sâu sắc về hình thức biểu hiện trong sáng tác của các nghệ sĩ. Nghệ thuật đã phát triển mạnh thành nhiều xu hướng và tạo hình khác nhau như: cực thực, siêu thực, trừu tượng… Đặc biệt, các nghệ sĩ trẻ với bản tính năng động đã bắt nhịp và nhập cuộc với dòng nghệ thuật đương đại quốc tế như Pop art, Installation art, Performance art, Video art, Digital-art… Những hình thức nghệ thuật thị giác mới này, sau một thời gian bị nghi ngại, cảnh giác, đã dần được giới mỹ thuật và công chúng mặc nhiên đón nhận và coi đó như là một phương tiện biểu đạt nghệ thuật mới và là dòng chảy của mỹ thuật đương đại Việt Nam khi vấn đề “toàn cầu hóa” đang trở nên có ảnh hưởng rất lớn tới nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam.