Xử phạt xây dựng trái phép trên đất công
Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng
Các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:
- Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;
- Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư xây dựng;
- Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 Luật Xây dựng 2014;
- Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;
- Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ;
- Công trình xây dựng nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014;
- Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;
- Chủ đầu tư xây dựng công trình quy định tại các điểm b, e, g, h và i khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014, trừ nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm i khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.
(Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi 2020)
Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:[email protected]
Tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp tại phường Định Công, quận Hoàng Mai đã diễn ra trong thời gian dài. Theo cán bộ Thanh tra xây dựng, các trường hợp vi phạm tại đây đều đã lập biên bản, và có hồ sơ đầy đủ, tuy nhiên việc xử lý lại đang gặp khó...
Gần đây Báo Công lý liên tục nhận được nhiều thông tin phản ánh về tình trạng vi phạm TTXD nghiêm trọng, tràn lan ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Điều đặc biệt là, các trường hợp vi phạm TTXD này đều được diễn ra trên đất nông nghiệp nằm trong diện quy hoạch, thậm chí cách UBND phường Định Công chỉ vài trăm mét nhưng không bị xử lý theo quy định pháp luật gây bức xúc trong nhân dân.
Trong vai người có nhu cầu mua đất xây nhà trên đất nông nghiệp, phóng viên đã nhận được những lời mời hấp dẫn của các văn phòng nhà đất và người dân tại khu vực Trần Điền. Cô H. - một người môi giới có "thâm niên" tại đây mách nước: “Đất ở đây có nhiều giá, khoảng hơn tỷ đồng sẽ có được một nền đất mặt đường Trần Điền với diện tích 60m2. Tuy nhiên em chỉ cần chi ra hơn 100 triệu đồng, chị sẽ nhờ người quen ở phường “lo liệu” để xây nhà mái bằng kiên cố bên trong có gác xép, còn 2 - 3 tầng thì tiền phải tăng gấp hai, ba lần. Tiền nào của đấy mà em. Muốn làm nhà tường thì thầu phải dựng tôn lên, xây bên trong xong mới dần dần lột tôn, mất công lắm…”
Hàng loạt các công trình 2 -3 tầng xây trên đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch tại phường Định Công, Hoàng Mai do PV Báo Công lý ghi lại
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tại ngõ 202 Trần Điền đi sâu vào trong là một công trường với hàng loạt công trình đang xây dựng dần hoàn thiện và đưa vào sử dụng xen lẫn vài ruộng rau. Các công trình được xây dựng trên đất nông nghiệp tại đây có quy mô không hề nhỏ. Các công trình xây 2 tầng khá phổ biến, một số công trình được đầu tư quy mô lớn hơn xây 3 tầng với diện tích gần 100m2 theo thiết kế rất kiên cố.
Tìm hiểu tại đây phóng viên được biết, thực tế giá xây dựng trên thị trường hiện nay (gồm vật liệu và công xây dựng) chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/mét vuông sử dụng nhưng để xây được trên đất nông nghiệp tại phường Định Công, người mua đất, xây nhà ở đây phải trả thêm khoản “đi đêm" cho chủ thầu xây dựng nên giá thành đội lên thành 7 triệu đồng/m2 sử dụng.
Một công trình được xây dựng kiên cố tại khu đất nông nghiệp
Để làm rõ sự việc, phóng viên đã liên hệ làm việc với lãnh đạo quận Hoàng Mai thì quận Hoàng Mai đã đề nghị PV làm việc với ông Nguyễn Thăng Long, Chủ tịch UBND phường Định Công. Tuy nhiên trên thực tế tại buổi làm việc người PV tiếp xúc cũng không phải là ông Nguyễn Thăng Long mà là một cán bộ Thanh tra xây dựng.
Trả lời câu hỏi của PV về tình trạng xây dựng nhà trên đất nông nghiệp đang diễn ra công khai tại địa phương nhưng không bị ngăn chặn? Cán bộ thanh tra xây dựng phường Định Công cho biết: “Tất cả các trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp đều được lập biên bản, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đầy đủ. Nhưng vì họ có mối quan hệ nên rất khó xử lý…”. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được cung cấp các biên bản xử lý vi phạm, thì cán bộ Thanh tra xây dựng này từ chối cung cấp với lý do “đây là vấn đề nhạy cảm” mong PV “thông cảm”!?
Theo như khẳng định của vị cán bộ Thanh tra xây dựng này thì các trường hợp vi phạm tại khu đất nông nghiệp nêu trên đều đã được lập biên bản, và có hồ sơ đầy đủ, điều này rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên việc khó xử lý do “họ có mối quan hệ” và việc từ chối cung cấp biên bản xử lý vi phạm là do “nhạy cảm” thì đang khiến dư luận đặt câu hỏi: Tại sao một chủ trương lớn đã được khẳng định bằng Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/1/2014 của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công đã quy định rõ UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố. Đặc biệt, tại buổi làm việc với lãnh đạo quận Hoàng Mai, ngày 17/10/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng đã nhấn mạnh: "Vấn đề vi phạm trật tự xây dựng ở Hoàng Mai là phổ biến, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo và kể cả cấp quận, cấp phường phải thấy đây là việc hết sức quan trọng. Chúng ta muốn một đô thị trật tự, xây dựng một nhà nước pháp quyền, môi trường bình yên cho người dân thì phải tuân thủ theo pháp luật. Thành phố xử lý rất nghiêm các trường hợp xảy ra vi phạm” thì trong quá trình triển khai vẫn còn “lấn cấn” ở chỗ sai phạm đã rõ nhưng xử lý thì lại là “vấn đề nhạy cảm”?.
Đặc biệt trong quá trình liên hệ tác nghiệp PV bằng mọi cách vẫn không gặp được Chủ tịch UBND phường Định Công để có câu trả lời chính thức về vấn đề này. Phải chăng việc làm rõ sự thật của phóng viên gặp khó khăn vì quá nhạy cảm do các vi phạm có thể đang nằm trong “mối quan hệ” này?.
Có thể thấy bằng lời nói và hành động, cấp lãnh đạo cao nhất của Thành phố đã vào cuộc chỉ đạo sát sao, quyết liệt vấn đề vi phạm TTXD. Năm 2017 cũng được lấy là “Năm kỷ cương hành chính”, đề nghị các cơ quan chức năng quận Hoàng Mai nhanh chóng vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm những vi phạm trong công tác quản lý đất đai và TTXD tại phường Định Công gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/1/2014 của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu chủ tịch các UBND phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền…
Nội dung Chỉ thị cũng nêu rõ, địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.