Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về phong trào đi du học nước ngoài của học sinh hiện nay gồm gợi ý cách viết kèm theo 7 bài văn mẫu siêu hay. Qua đó gợi mở cho học sinh những ý mới, ý hay, ý đẹp khi làm văn, giúp cho các em có thêm vốn từ phong phú khi diễn đạt.
Quan niệm về du học thế nào cho đúng - Mẫu 1
Được đi vòng quanh thế giới là ước mơ của nhiều bạn trẻ mong muốn vươn ra thế giới. Và hầu hết, thế hệ trẻ ngày nay thường thực hiện ước mơ ấy với bước đầu là trở thành một du học sinh. Vấn đề du học ngày càng được nhắc đến sôi nổi và nhận được nhiều sự quan tâm. Vậy liệu cuộc sống du học liệu có phải chỉ xoay quanh môi trường học tập quốc tế, những chuyến du lịch “xịn mịn” hay sở hữu những món mà trước đây phải mua hàng “xách tay” mới có?
Trong thập kỷ trước, việc đi du học được coi là một điều xa xỉ đối với nhiều gia đình và học sinh tại Việt Nam. Nhưng hiện nay, số liệu cho thấy mỗi năm người Việt đang chi tiêu gần 3 tỷ USD để du học, với khoảng 190.000 du học sinh đang học tập và nghiên cứu tại nước ngoài. Mỹ, Canada, Úc, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan, và Trung Quốc là những điểm đến phổ biến được nhiều người chọn. Ngoài ra, trong những năm gần đây, khái niệm "du học tại chỗ" và "du học chuyển tiếp" cũng trở nên phổ biến hơn.
Xã hội ngày càng đi lên, phát triển kinh tế tăng nhanh, dẫn đến sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, những người có khả năng đầu tư cho con cái theo học các chương trình giáo dục chất lượng cao. Đây chính là yếu tố gia đình thúc đẩy con cái đến với cuộc sống nước ngoài. Ai trong chúng ta cũng đều sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm lý được học tập trong môi trường có cơ sở vật chất, chương trình hiện đại khi đến với môi trường nước ngoài. Ngoài ra, các tấm bằng ngoại thường được cho là có giá trị hơn so bằng cấp trong nước, nhận được nhiều sự ưu tiên của các nhà tuyển dụng. Đây là một trong những lý do mạnh mẽ dẫn đến xu hướng du học tăng mạnh.
Khi chúng ta bỏ ra một “khoản đầu tư lớn” như vậy, thì chắc hẳn những gì chúng ta nhận lại là hoàn toàn xứng đáng khi có sự nỗ lực và cố gắng. Học tập trong môi trường quốc tế, các du học sinh cũng có nhiều cơ hội được giao lưu và tiếp cận với những cơ hội giao lưu, làm việc từ những “người khổng lồ” của nền kinh tế hay nghiên cứu cùng những chuyên gia hàng đầu. Việc nắm bắt tri thức khoa học, kỹ thuật, văn hóa … của các nước tiên tiến sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn. Ngoài ra, chúng ta còn có thể phát triển kỹ năng mềm với điều kiện học tập và sống tại nước ngoài như tự lập, tư duy độc lập, giao tiếp và hợp tác với người khác. Một điều không thể thiếu chính là học tập tại nước ngoài giúp người học hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của các nước khác. Không chỉ vậy, du học giúp người học kết nối với nhiều người từ khắp nơi trên thế giới, mở rộng mạng lưới quan hệ và tạo ra cơ hội kinh doanh trong tương lai.
Tuy nhiên, du học không phải là con đường mà ai cũng có thể đi một cách dễ dàng và thành công. Trên thực tế, nhiều bạn trẻ chưa chuẩn bị tốt đã vội vàng ra quyết định du học, dẫn đến áp lực quá lớn và không đạt được mục tiêu. Nhiều bạn trẻ chỉ dựa vào tài chính của gia đình hoặc coi du học như một kì nghỉ dài để thoải mái "hưởng thụ cuộc sống". Kết quả là họ thường gặp nhiều hối tiếc và thất bại hơn là thành công. Du học tại nước ngoài đòi hỏi người học phải chi trả nhiều chi phí lớn, bao gồm học phí, chi phí sinh hoạt, vé máy bay, visa, bảo hiểm, và chi phí khác. Đôi khi, sống xa gia đình, bạn bè và quen thuộc có thể khiến người học cảm thấy cô đơn và khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới và khó thích ứng được với văn hóa nơi đây.
Việc đi du học và định cư tại đó hàng loạt đã gây nên vấn đề “chảy máu chất xám” đối với Việt Nam. Hãy cùng nhìn lại các nhà vô địch leo núi trong cuộc thi Olympia, họ được trao học bổng để đến du học tại đất nước Úc. Thế nhưng, theo thống kế đến năm 2019, chương trình này đã cấp học bổng cho 18 người, nhưng chỉ có hai người là quay trở lại Việt Nam sau khi du học để cống hiến cho đất nước, số còn lại chọn định cư ở nước ngoài để có cuộc sống tốt hơn.
Như vậy, du học là một con đường không chỉ mang lại những lợi ích về mặt học thuật và văn hóa mà còn giúp người học phát triển các kỹ năng mềm và mở rộng mạng lưới quan hệ. Tuy nhiên, để thành công trong hành trình du học, người học cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là về tài chính, học thuật và sức khỏe. Họ cần phải thích nghi với môi trường mới, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ và có một kế hoạch học tập và sự nghiệp rõ ràng. Đồng thời, các bậc phụ huynh và các cơ quan chức năng cũng cần có những chính sách hỗ trợ, đảm bảo cho các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận với giáo dục chất lượng cao và phát triển bản thân một cách bền vững.
Du học là một hành trình đầy thử thách và cơ hội, và người học cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đạt được những thành công trong tương lai.
Xã hội ngày càng phát triển, con người càng tiếp xúc được với những thứ hiện đại, văn minh hơn. Chính vì thế du học trở thành một phương tiện, một cây cầu để bắt nhịp cho những con người từ các đất nước khác nhau trên thế giới được phép học tập và nghiên cứu ở những đất nước nền giáo dục tiến bộ. Hiện nay ở Việt Nam, phong trào đi du học đang nở rộ một cách mãnh liệt, nguyên nhân và thực trạng của phong trào này là gì?
"Du học" được định nghĩa là đi học tập tại một đất nước khác nhằm bổ sung kiến thức, ngành nghề nhằm thoả mãn nhu cầu của bản thân hoặc theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức. Du học có hai hình thức là du học theo diện tự túc hoặc du học theo học bổng. Ngoài ra, còn có du học tại chỗ là hình thức học tập theo chương trình đào tạo của nước ngoài nhưng không cần phải tới nước đó. Còn "phong trào" là hoạt động văn hoá, chính trị, xã hội lôi kéo được nhiều quần chúng tham gia. Vậy "phong trào du học" có thể hiểu là hoạt động ra nước ngoài học tập với các mục đích khác nhau của nhiều người trong xã hội.
Du học thường nhằm mục đích học tập, tiếp thu cái mới ở các nước khác. Như cụ Phan Bội Châu cũng từng lập ra hội Đông Du để cho thanh niên Việt Nam được sang Nhật học tập để về cứu quốc. Hiện nay phong trào du học đang nở rộ ở đất nước ta, lan rộng khắp mọi lứa tuổi và mọi miền Tổ quốc. Thậm chí nó còn trở thành một "con sốt" mà nhiều phụ huynh định hướng cho con cái của mình.
Nguyên nhân của trào lưu này có thể là do nền giáo dục nước nhà còn hạn chế, chưa thỏa mãn được nhu cầu học tập của nhiều người. Nền giáo dục của Việt Nam còn khá nặng nề về mặt lý thuyết. thiếu đi sự sáng tạo cũng như những kỹ năng thực hành cần thiết. Vậy nên, nhiều gia đình có điều kiện đã chọn cách đưa con cái ra nước ngoài du học để có thể nâng cao kiến thức cũng như năng lực của chúng. Không chỉ thế, nền giáo dục của Việt Nam còn khá nhiều bất cập như coi trọng bằng cấp, lý thuyết, bằng thật, bằng giả lẫn lộn khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài không còn coi trọng tấm bằng đại học ở Việt Nam. Một sinh viên học bước ra từ đại học nhưng lại không hề có sự sáng tạo trong nghề nghiệp, chỉ có trong tay một mớ kiến thức khiến cho nhiều nhà tuyển dụng lao động lo ngại về hiệu quả công việc mà họ làm. Tuy nhiên ở một mặt khác, Việt Nam lại thiếu hụt đi những lao động có tay nghề cao.
Không chỉ vậy, ở nước ngoài, các sinh viên có thể tự do sáng tạo, tự do học tập và được giáo dục theo hướng hiện đại hoá. Họ được thực hành, được rèn luyện các kĩ năng cần thiết cho công việc cũng như rèn luyện các kĩ năng như thuyết trình, làm việc nhóm tạo nên sự tự tin, đánh thức cảm hứng trong mỗi con người. Có thể vì vậy mà du học đã trở thành định hướng của nhiều người trẻ ở nước ta, nhất là những bạn trẻ đang ngồi trên ghế giảng đường và có thành tích học tập tốt. Các bạn chọn du học như một cách nâng cao giá trị của bản thân, từ đó thích nghi với môi trường làm việc tại nước ngoài sau đó định cư ở đó gây nên vấn đề "chảy máu chất xám" đối với Việt Nam. Hãy cùng nhìn lại các nhà vô địch leo núi trong cuộc thi Olympia, họ được trao học bổng để đến du học tại đất nước Úc. Thế nhưng, theo thống kế đến năm 2019, chương trình này đã cấp học bổng cho 18 người, nhưng chỉ có hai người là quay trở lại Việt Nam sau khi du học để cống hiến cho đất nước, số còn lại chọn định cư ở nước ngoài để có cuộc sống tốt hơn.
Làm thế nào để Việt Nam không bị hiện tượng "chảy máu chất xám"? Làm sao để đất nước ta có thể thu hút được du học sinh chứ không phải các sinh viên của Việt Nam bị thu hút bởi các nước khác? Điều đầu tiên cần làm là cải thiện chất lượng giáo dục ở Việt Nam. Giáo dục cần bỏ bớt những môn học, những lý thuyết khô cứng, thay vào đó, học sinh cần chủ động để nắm bài giảng, thực hành các kiến thức học được. Các thầy cô giáo cần bỏ "bệnh thành tích", thay vào đó là giúp học sinh nắm vững được kiến thức cũng như các phương pháp học. Thầy cô là những người hướng dẫn cho học sinh sinh viên các kĩ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm để họ không bị bỡ ngỡ khi ra ngoài làm việc. Không chỉ vậy, hệ thống giáo dục cần coi trọng việc phát triển ngôn ngữ trong nhà trường, đa dạng các ngôn ngữ, cũng như phổ biến hoá môn tiếng anh để giúp học sinh có một trang bị đầy đủ khi ra ngoài. Có như vậy, sinh viên Việt Nam mới có thể yên tâm học tập trong nước, để làm việc cống hiến cho Tổ quốc. Nếu hệ thống giáo dục còn nặng nề, tỷ lệ "chảy máu chất xám" cũng như phong trào du học sẽ ngày càng phổ biến, nở rộ hơn nữa.
Có thể thấy, lợi ích của việc du học là không thể phủ nhận nhưng cũng có những hệ luỵ mà không phải ai cũng biết. Ví dụ như nhiều gia đình đã phải bán nhà, thế chấp nhà đất để có tiền đưa con đi du học, mong muốn một cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, cuộc sống như mơ chưa đến đã thấy nợ nần chồng chất, gia đình khánh kiệt. Đua đòi chạy theo phong trào du học không phải là cách để đổi đời. Và cũng có không ít những cô ấm cậu chiêu mượn danh du học nước ngoài để ra một môi trường khác thỏa sức ăn chơi. Họ ra nước ngoài là để vung tiền và cuối cùng lấy được tấm bằng du học nhờ "công sức của bố mẹ"
Nhìn vào thực thế, lượng lao động trẻ ở Việt Nam đang ở mức khá cao nhưng khó đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty. Chính vì vậy, nhiều người đã chọn con đường đi du học để có thể làm các công việc khác kiếm tiền trang trải cho gia đình. Theo thống kê, sinh viên ở Nhật Bản có thể làm việc 28h/ tuần với mức lương khá. Vậy nên trào lưu du học ngày càng "sốt" không chỉ xuất phát từ nguyên nhân nhu cầu học tập mà còn là vì nhu cầu việc làm khi mà xuất khẩu lao động có nhiều yêu cầu khắt khe hơn so với du học. Chính vì thế mà giới trẻ Việt Nam đang hướng tới con đường du học để kiếm tiền, để làm giàu chứ không chỉ xuất phát từ nguyên nhân học tập. Thực trạng phong trào du học ở Việt Nam đang ở mức khá cao. Theo thống kê, năm 2020, tỷ lệ sinh viên du học của Việt Nam tại Nhật Bản đã vượt qua Trung Quốc, đứng đầu ở quốc gia này với tỷ lệ là 29,2%. Tiếp theo, quốc gia của du học sinh nhiều thứ hai là Australia với con số là 31.000 sinh viên, chiếm 23,8% tỷ lệ du học sinh tại nước này. Thế nhưng, hệ luỵ theo sau việc trào lưu du học này là tình hình tội phạm gia tăng du học sinh Việt ở Nhật Bản gia tăng nhanh chóng. Thậm chí các siêu thị Nhật còn ghi cả những dòng chữ tiếng việt "Xin đừng trộm cắp".
Tóm lại du học không phải là con đường duy nhất giúp bạn trở nên thành công trong cuộc sống. Để có được sự thành công không chỉ là sự kiên trì học tập mà còn có cả sự cố gắng học hỏi trong đời sống hàng ngày. Làm nên thành công chỉ khó với những người không chịu cố gắng, không chịu học hỏi. Du học là điều tốt nhưng du học như thế nào, điều kiện kinh tế ra sao là một điều cần chú ý. Đừng vì sĩ diện bản thân mà làm cho gia đình phải lâm vào bước đường cùng. Con đường thành công luôn mở rộng với những người có nỗ lực, có khát vọng.